Scindapsus là một chi thực vật có hoa khá phổ biến trong họ Ráy (Araceae). Chi này sống ở vùng địa lý tự nhiên nhiệt đới và cận nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Bắc Úc Queensland, đảo New Guinea và một số hòn đảo khác ở Tây Thái Bình Dương. Có đến khoảng 88 loài thực vật thuộc chi Scindapsus và có 36 tên loài thực vật đã được chấp nhận dựa theo công bố khoa học.
Các loài thực vật thuộc chi Scindapsus có tên thương mại thường thấy ở Việt Nam là Trầu bà lụa. Một điểm đặc biệt đó là Trầu bà lụa vốn không thuộc các chi Trầu bà khác như Philodendron hay Epipremnum. Ba chi thực vật lớn này cùng họ Araceae, cùng là loài thân leo và có nhiều điểm tương đồng về vẻ ngoài nên nước ta thường sẽ đều gộp chung gọi là Trầu bà. Ngoài ra, lá có lụa ở bề mặt trông lạ mắt, từ đó chúng mới được có tên là Trầu bà lụa cho đến ngày nay. KANSO Plant vẫn giữ tên thương mại Trầu bà lụa để người Việt thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin về chi Scindapsus. Trên thị trường quốc tế, Trầu bà lụa cũng có đa dạng tên gọi, phổ biến nhất phải kể đến Satin Pothos và Silver Pothos mặc dù chúng không phải Pothos (Epipremnum aureum).
Hình ảnh: Trầu bà lụa (Scindapsus) qua ống kính KANSO Plant
Với đặc điểm của thực vật biểu sinh (Aroid), Scindapsus sinh trưởng dạng thân leo, rễ mọc ra từ các đốt trên thân và thân lá. Tán lá tương đối to so với Philodendron hederaceum và dày hơn Epipremnum aureum. Như cái tên Trầu bà lụa, chúng gây ấn tượng bởi những chiếc lá màu xanh xám, phủ lên lớp hoa văn như dải lụa bạc nhẵn bóng. Hai loài Scindapsus nổi bật nhất phải kể đến Scindapsus Pictus và Scindapsus Treubii.
Scindapsus Pictus hay còn có tên là Silver Vine được mô tả vào năm 1842 bởi nhà thực vật học người Đức Justus Carl Hasskarl. Cây có nguồn gốc bản địa từ Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và các đảo như Bán đảo Malaysia, đảo Borneo, đảo Java, đảo Sumatra, đảo Sulawesi…Đây là loài Trầu bà lụa phổ biến nhất trong chi Scindapsus.
Từ ‘Pictus’ trong tiếng Latinh (hay tiếng Hy Lạp cổ) có nghĩa là “Painted”, biểu hiện qua những chi tiết đốm bạc trên phiến lá như được sơn phết tỉ mỉ. Trầu bà lụa - Scindapsus Pictus có lá dày, trông mềm mượt như lụa, màu xanh đậm, phủ mờ những vệt màu xám bạc. Khi còn non, lá sẽ hình trứng không cân đối, lớn dần chúng biến thành những chiếc lá trái tim bất đối xứng, có viền màu bạc, đầu nhọn rũ xuống.
Hình ảnh: Một trong những giống Scindapsus Pictus tại vườn KANSO Plant
Scindapsus Treubii được xác định phạm vi phân bố tự nhiên là Malaysia, đảo Borneo, đảo Java. Chúng sinh trưởng và phát triển trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Đông Nam Á. Trầu bà lụa Scindapsus Treubii được chia thành 2 dạng chính: Scindapsus Treubii Moonlight và Scindapsus Treubii Dark form.
Hình ảnh: Scindapsus Treubii Moonlight (dưới) và Scindapsus Treubii Dark form (trên)
Khác với Scindapsus Pictus có bề mặt lá là hoa văn dạng phẩy màu xám mờ, Scindapsus Treubii Moonlight phủ một lớp satin bóng bạc lên toàn bộ mặt trên lá và dáng lá có phần dài nhọn hơn. Còn Scindapsus Treubii Dark form, có lá gần như màu đen và đổ bóng lạ mắt tựa viên pha lê đen lung linh thay vì là lớp lụa xám trắng như Moonlight. Tuy nhiên Scindapsus Dark form vẫn sẽ có lớp lụa mờ tùy thuộc vào độ bóng của lá, có thể nhìn thấy rõ hơn ở mặt dưới.
Hình ảnh: Scindapsus Treubii Dark form với lá có độ bóng
Scindapsus Pictus Exotica đặc trưng với những chiếc lá xanh sẫm, dày và mềm mại, tô điểm những mảng màu bạc lốm đốm có thể liên tưởng đến lớp sơn tường bong tróc. Scindapsus Pictus Exotica dễ bị nhầm lẫn với Scindapsus Pictus Argyraeus nhưng lá của nó tương đối to và dày hơn. Đây là giống Trầu bà lụa thường thấy nhất ở Việt Nam. Nếu tìm mua Trầu bà lụa tại các cửa hàng thì đa phần sẽ là Scindapsus Pictus Exotica, có nơi thì gọi là Trầu bà Pháp.
Hình ảnh: Trầu bà lụa Scindapsus Pictus Exotica - KANSO Plant
Trầu bà lụa Scindapsus Pictus Silvery Ann có nguồn gốc từ các khu rừng rậm ở Đông Nam Á, Indonesia và quần đảo Salomon. Lá của Scindapsus Pictus Silvery Ann có dạng trái tim, màu xanh nhạt hơn so với Exotica và có độ xốp nhẹ. Phiến lá mờ, mịn như nhung với các vệt xám ngẫu hứng ở các lá hoặc phủ đều lên gần như toàn bộ tán lá ở các lá non. So với đốm bạc có phần “trật tự” hơn ở Scindapsus Pictus Exotica thì sẽ dễ dàng phân biệt được hai loại cây Trầu bà lụa này.
Hình ảnh: Trầu bà lụa Scindapsus Pictus Silvery Ann - KANSO Plant
Scindapsus Pictus Argyraeus là loài Trầu bà lụa có nền lá xanh đậm, viền xám và nhỏ hơn nhiều so với Silvery Ann hay Exotica. Những đốm bạc nhỏ như họa tiết chấm bi rải rác tạo nên sự tương phản nổi bật. Tên gọi ‘Argyraeus’ có nghĩa là “bạc” trong tiếng Latinh.
Hình ảnh: Trầu bà lụa Scindapsus Pictus Argyraeus - KANSO Plant
Trầu bà lụa Scindapsus Treubii Moonlight còn có tên là Sterling Silver Scindapsus. Loài cây này cực kỳ thu hút bởi những chiếc lá giọt nước ánh bạc độc đáo, đường gân chính sâu lộ rõ như nét bút màu xanh ngọc dứt khoát. Lá non ban đầu sẽ có màu xanh mạ non, nhẵn bóng. Khi lớn dần, lá Trầu bà lụa Moonlight mới bắt đầu nổi rõ lớp óng bạc phản chiếu như một mảnh vải dệt satin mềm mại.
Hình ảnh: Trầu bà lụa Scindapsus Treubii Moonlight - KANSO Plant
Như nhiều loài cây cảnh thuần dưỡng để trồng trong nhà khác, Scindapsus cần ánh sáng gián tiếp nhưng đủ nhiều để duy trì màu sắc đặc biệt của tán lá. Nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp, Trầu bà lụa dễ bị cháy lá và nâu đầu lá.
Hình ảnh: Ánh sáng gián tiếp là lý tưởng nhất đối với Trầu bà lụa (Scindapsus)
Đảm bảo giá thể khô khoảng trên 70% trước khi tưới Scindapsus (Trầu bà lụa). Các loài cây này thường khá “đỏng đảnh” nếu không cung cấp đủ lượng nước cần thiết. Lá và thân sẽ bắt đầu héo rũ xuống khi quá khô. Chỉ cần nhanh chóng tưới nước, Trầu bà lụa sẽ nhanh chóng phục hồi trạng thái. Lưu ý, việc tưới tiêu cho cây cần dựa trên điều kiện vườn ươm và các yếu tố chăm sóc, thời tiết, khí hậu…
Hình ảnh: Trầu bà lụa rất dễ bị héo rũ nếu thiếu nước
Nhiệt độ và độ ẩm là hai yếu tố cần duy trì song song trong quá trình chăm sóc cây. Scindapsus - Trầu bà lụa vốn là thực vật nhiệt đới, có thể phát triển ổn định ở nhiệt độ khoảng 23 đến 30 độ C. Những loài cây này vẫn sẽ thích nghi tốt với nhiệt độ lạnh hơn ở điều kiện phòng điều hòa, tuy nhiên lúc này không khí sẽ tương đối khô. Đối với Trầu bà lụa nên đảm bảo độ ẩm duy trì trong khoảng 60% - 70% để tránh tình trạng quăn lá.
Hình ảnh: Cân bằng nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để tránh Trầu bà lụa quăn lá
Scindapsus là những loài dễ trồng, bắt rễ nhanh. Đất trồng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần có kết cấu thoáng và thoát nước tốt. Hỗn hợp giá thể cũng có thể cân nhắc tỉ lệ tùy vào điều kiện chăm sóc. Để tốt hơn, đất trồng Trầu bà lụa có thể duy trì độ pH lý tưởng từ 6.1 đến 6.5 và có tính axit nhẹ.
Scindapsus - Trầu bà lụa không yêu cầu dinh dưỡng quá nhiều. Nếu bón phân định kỳ, nên pha loãng với tỉ lệ cân đối và tưới vào nửa đầu năm. Bón phân như thế sẽ giúp Trầu bà lụa sinh trưởng đồng đều, lá to dày và rậm rạp hơn.
Hình ảnh: Giá thể và phân bón cho Scindapsus nên sử dụng theo tỉ lệ hợp lý
Những vấn đề về chăm sóc cây luôn là một trong những khó khăn mà các đối tác có thể phải đối diện khi bắt đầu tham gia vào thị trường kinh doanh cây cảnh. Thấu hiểu được điều đó, KANSO luôn nỗ lực nhằm cung ứng nguồn cây chất lượng ngay từ vườn trồng, đồng thời kèm theo tư liệu và tư vấn chuyên môn. Tất cả nhằm hỗ trợ các quý đối tác giảm thiểu tối đa rủi ro, tạo dựng uy tín trên thị trường và đối với khách hàng. Xem thêm
Một số loài côn trùng gây hại phổ biến như rệp sáp, nhện đỏ, bọ trĩ…chính là kẻ thù hàng đầu của Scindapsus và hầu hết các loại cây khác. Chúng ăn nhựa cây và lâu dài gây ảnh hưởng đến sức sống và vẻ ngoài của cây trồng. Có thể đề phòng bằng cách sử dụng biện pháp sinh học như phun dầu lá neem, dầu sả để đuổi côn trùng.
Chăm sóc không đúng cách luôn là một trong những nguyên nhân hàng đầu ủ bệnh cho cây trồng. Tưới nước quá nhiều dẫn đến bí tắc, ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, gây ra những mầm bệnh bất lợi cho Scindapsus - Trầu bà lụa. Cần thường xuyên thăm cây để phát hiện kịp thời vấn đề về bệnh cây. Những biểu hiện đầu tiên của bệnh có thể là lá vàng, xuất hiện đốm nâu hay thân mềm…
Hình ảnh: Lá chính là biểu hiện dễ thấy nhất khi Trầu bà lụa gặp vấn đề sâu bệnh hại
Như KANSO Plant đã chia sẻ ở trên, Trầu bà lụa rất dễ bị héo rũ nếu quá khô. Tuy nhiên cây sẽ phục hồi nếu được tưới nước kịp thời. Nên lên kế hoạch với tần suất tưới nước hợp lý, có thể kết hợp dàn tưới tự động cho cây.
Scindapsus - Trầu bà lụa có tinh thể canxi oxalate gây ra các triệu chứng kích ứng miệng, khó thở, nôn mửa nếu người và động vật nuốt phải với lượng lớn.